Mục lục:
Phần #1: Dashboard và Shortcut
Phần #2: Sử dụng hệ thống cảnh báo Intelligence Events
Phần #3: Cách cài đặt Event Tracking cho Google Analytics Universal
Phần #1. Dashboard và Shortcut
Tính năng này rất hữu ích. Đôi khi bạn đãng trí, muốn tìm một số liệu mà không nhớ nó nằm ở đâu trong vô vàn report này thì hãy sử dụng thanh search.
Cái hình mũi tên nho nhỏ ở bên trên search box có tác dụng làm ẩn toàn bộ menu Google Analytics đi. Giúp bạn xem báo cáo ở dạng Full-Width
Dashboard trong Google Analytics giúp người sử dụng có một cái nhìn tổng quan về tình hình website.
Như tớ đề cập ở bài trước – tổng quan về Google Analytics – tùy thuộc vào tính chất công việc của mỗi người sử dụng mà họ có thể customize Dashboard theo ý mình.
Ví dụ, SEO manager sẽ quan tâm về Organic traffic, Users, Pageviews, Duration, Bounce Rate…
Sale manager sẽ quan tâm về Goal, Product Performance, Conversion rate…
Content manager sẽ quan tâm về New vs Returning Visitor, Direct traffic, Event tracking, Behavior report…
Các vị manager ấy sẽ mang tất cả thông tin họ quan tâm ra dashboard, để khi vào Google Analytics, các vị ấy sẽ nhìn vào dashboard đầu tiên, xem tình hình hoạt động trong lĩnh vực của mình có ổn không.
Vì thế nên dashboard của mỗi người là khác nhau. Và người nào không hiểu dashboard là gì thì đương nhiên dashboard sẽ trống trơn. Như vậy là chưa biết cách dùng Google Analytics
Q: Cách thêm báo cáo vào Dashboard như thế nào?Bạn nhấn vào nút này, chọn mục cần thêm vào Dashboard rồi Save lại
A: Tất cả các báo cáo có thể thêm vào Dashboard thì trên thanh Explorer luôn có nút “Add to Dashboard”
Nếu Dashboard là công cụ giúp bạn nhìn vào bức tranh tổng thể thì Shortcut giúp bạn truy cập một báo cáo một cách cực kì nhanh chóng
Shortcut trong Google Analytics:
Bạn có nhớ mình thường xuyên chỉ xem một vài loại báo cáo nhất định không?
Và trong các báo cáo đó bạn thường xuyên phải sử dụng các bộ lọc và segment lặp đi lặp lại không?
Từ bây giờ bạn sẽ không cần phải lặp lại các thao tác đó nữa.
Ngay sau khi tìm được số liệu mình muốn, bạn hãy nhấn vào nút Shortcut, đặt tên cho shortcut đó. Sau đó bạn có thể truy cập nhanh chóng vào các báo cáo thường xem.
Theo như bài viết về shortcut này, shortcut sẽ nhớ tất cả các setting của bạn, trừ phần date range.
Nghĩa là:
Bạn sẽ có khả năng truy cập vào các báo cáo theo cách nhanh nhất với thời gian cập nhật theo bất cứ khoảng thời gian nào bạn chọn.
Thật tiện lợi đúng không ?!
Cách tạo shortcut giống hệt cách tạo dashboard. Thay vì nhất Add to Dashboard, bạn nhấn chữ Shortcut là được
Cách tùy chỉnh Shortcut và Dashboard trong Google Analytics, mời bạn xem slide sau:
Phần #2: Intelligence Events – Người trợ lý tốt bụng
Hôm nay mắt đỡ rồi nên viết thêm cho các bạn đọc. Nhiều độc giả email giục bài quá nên tớ cũng phải cố gắng…
Intelligence Events nhận diện được sự bất thường của số liệu qua từng ngày, từng tuần và từng tháng
Intelligence Events nhận diện được sự bất thường của số liệu qua từng ngày, từng tuần và từng tháng |
Vì sao tớ gọi tính năng Intelligence Events là “người trợ lý tốt bụng”?
Vì hắn là một hệ thống cảnh báo tự động của Google
Hệ thống này sẽ tự động lấy số liệu trong Google Analytics của chúng ta, xem các Metrics nào tăng hay giảm bất thường.
Vậy cơ sở nào để Google Analytics nhận biết được sự tăng giảm của một metrics là bất thường hay không?
Trong bài viết về Analytics Intelligence, Alden DeSoto, người của Google Analytics Team đã viết rằng, đằng sau tính năng này là một hệ thống thuật toán phức tạp.
Và Google khẳng định, hệ thống này đủ thông minh để bao quát hết tất cả các metrics và nhận biết được sự bất thường trong từng metrics đó.
Tuy nhiên.
Theo như trong video này, Google nói rằng họ không biết vì sao có sự đột biến trong số liệu.
Intelligence Events chỉ biết là có gì đó bất ổn, và thông báo cho chúng ta sự bất thường đó. Nhiệm vụ của chúng ta là tìm hiểu nguyên nhân và giải pháp.
Ngoài hệ thống cảnh báo tự động, Google Analytics còn cho phép thiết lập hệ thống cảnh báo bằng tay.
Việc thiết lập hệ thống cảnh báo bằng tay nghĩa là chúng ta sẽ tạo ra các ngưỡng thay đổi (threshold). Khi một metric (được chỉ định) vượt qua ngưỡng đó thì sự kiện này sẽ xuất hiện trong Custom Alert.
Chuyển từ tab Automatics Alert sang Custom Alerts. Nhấn vào Manage Custom Alerts
Nhấn vào nút New Alert, bạn sẽ được chuyển đến một cửa sổ để cài đặt
Tớ sẽ ví dụ về cách tạo Custom Alert khi Bounce Rate của ngày hôm sau tăng mạnh hơn so với ngày hôm trước
– Apply to: Chọn các bản View để áp dụng chế độ cảnh báo này
– Period: Chế độ cảnh báo theo ngày, tuần và tháng
– This applies to: Chọn Dimension mà bạn muốn theo dõi
– Alert me when: Chọn Metric mà bạn muốn theo dõi
– Đánh dấu vào dòng: Send me an email when this alert triggers. – Mỗi khi có chuyện bất thường xảy ra, Google Analytics sẽ tự động gửi Email thông báo cho bạn.
Điều đó thật tuyệt vời. Bạn sẽ dễ dàng kiểm soát mọi thứ!
Save Alert. Bạn đã xong.
Phần #3: Hướng dẫn cài đặt Event Tracking cho Google Analytics (bản Universal)
Tớ muốn chia sẻ vài dòng trước khi hướng dẫn bạn cách cài code Event Tracking. (nhanh thôi)
Trong quá trình học Google Analytics, tớ có thấy 1 phần gọi là Event. Dịch ra tiếng Việt thì nó gọi là “sự kiện”. Mình mới thắc mắc, “sự kiện” là cái gì nhỉ? Nghe cứ vênh vênh, không khớp.
Sau một hồi tìm hiểu thì tìm được cái định nghĩa (rất rõ ràng) là:
Khi một người vào thăm website, người đó sẽ có tương tác (Interaction). Interaction bao gồm 2 loại là Pageview và Event.
Pageview được ghi nhận khi trang web được tải xong xuôi.
Và tất cả các tương tác KHÔNG PHẢI LÀ PAGEVIEW thì gọi là Event.
Ví dụ khi chúng ta Like, Share, Recommend, Download, Play Video, View Gallery… thì đều được gọi là Event.
Còn Event Tracking có nghĩa là, mình sẽ đo các Dimensions liên quan đến event đó.
Nếu bạn nghĩ sâu hơn một chút, điều này sẽ thật là tuyệt vời!
Bởi vì, có phải mỗi một hoạt động marketing đều nhằm một mục đích nào đó, đúng không?
Và làm sao để đo lường hiệu quả mục tiêu đó như thế nào mới là quan trọng.
Hãy cùng xem qua một vài ví dụ để thấy được vai trò nổi trội của Event Tracking.
Ví dụ #1:
Bạn vừa publish một ebook rất tâm huyết lên website. Làm thế nào để đo xem có bao nhiêu người đã tải ebook về?
Dễ dàng thôi, có rất nhiều cách cho chuyện này.
Bạn dùng Plugin thống kê, có thể sẽ làm web của bạn nặng hơn; hoặc dùng Goal Tracking dạng Destination, bắt người ta phải tới 1 trang download mới down được, rồi bạn đo xem bao nhiêu người tới trang đó. Nhưng nhỡ người ta tới trang download mà không tải ebook về thì sao? Hỏng rồi.
Ví dụ #2:
Bạn làm một video rất hay, đặc sắc và share trên blog cá nhân. Làm thế nào để bạn đo xem có bao nhiêu người đã xem clip đó trên website của bạn. Cụ thể hơn, bạn muốn biết mỗi ngày clip đó được view bao nhiêu lần thì làm thế nào?
Nếu up lên Youtube thì Youtube còn thống kê hộ qua biểu đồ của nó. Nhưng cũng chả đầy đủ. Cái ta cần xem là bao nhiêu lượt xem trên website của mình cơ mà.
Nếu bạn không biết về Event Tracking thì các câu hỏi trên sẽ khá là khó giải quyết. Nếu muốn giải quyết được thì chắc cũng phải đi đường vòng ba bốn bước loằng ngoằng mới xong.
Còn nếu biết về Event Tracking. 5 phút xong.
Nói thật đấy, 5 phút cài đặt là bạn sẽ có mọi dữ liệu mình muốn.
Để có được cái 5 phút đấy tớ chả nhớ mất bao nhiêu lâu nữa. Chỉ biết là trên 3 tuần. Trên 3 tuần mới tìm được cách cài Event Tracking.
Ngày cài xong code Event Tracking, chia sẻ với mấy đồng nghiệp thì đồng nghiệp chỉ biết là có một cái hay ho như thế. Chưa nhìn ra ứng dụng thực tiễn.
Một thời gian sau, cùng với sự phát triển của công ty, nhiều câu hỏi mới phát sinh. Bây giờ thì ai cũng í ới cả ngày, Cao Minh ơi đo cái này như thế nào em nhỉ, làm thế nào để chị đo xem cái nút này được click bao nhiêu lần. Cao Minh ơi làm thế nào để xem cái screenshot để ở đây có hiệu quả không, làm thế nào để xem người ta có click vào cái menu này không nhỉ… Dạ, dùng Event Tracking ạ!
Rồi Cao Minh lại hì hục làm việc với mấy anh Dev, cài Event Tracking nút nọ nút kia. Nhiều hôm phải track 25 cái event, làm mất nguyên ngày. Hôm sau thấy có số liệu trả về, câu hỏi được giải đáp, ai cũng vui mừng, hạnh phúc rớt nước mắt.
Thật ra, cài Event Tracking dễ lắm. Chả qua mình gốc là dân kinh tế, đọc code mù mờ không hiểu nên mới mất nhiều thời gian như thế. Chắc mấy bạn coder đọc phát ra luôn. Ta không phải dân code ta lại mày mò học từ đầu. HTML, CSS, Javascript, PHP, jQuery. Cần cù bù thông minh. Giờ ta khác gì coder đâu.
Tất cả hướng dẫn về cài đặt Event Tracking nằm ở đây hết nhé: Event Tracking Google Analytics
Tớ thề là tớ đọc cái hướng dẫn đó không dưới 50 lần. Và hồi đó tớ chả hiểu cái gì cả.
Giờ tớ mới hiểu. Tớ truyền đạt lại ngắn gọn thôi.
Một Event được cấu thành bởi 4 Value:
- Category
- Action
- Label
- Value
Và đoạn code để cài Event Tracking sẽ có dạng:
ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'categoryName', 'eventAction': 'actionName', 'eventLabel': 'myLabel' });Giải thích:
– Category: Tất cả các event chung Category sẽ được cho chung vào 1 nhóm trong báo cáo GA.
Ví dụ các event liên quan để sản phẩm Affiliate+ như Download, Demo, Register… thì đều để chung vào category Affiliate+.
– Action: Hành động của khách hàng với Event. Ví dụ: Download, Click, Play…
– Label: Với các event có chung action thì ta gắn nhãn cho chúng để phân biệt.
– Value: Khi một event được thực hiện thì bạn có bao nhiêu tiền?
Ví dụ, cùng là download nhưng có nhiều đầu sách, vậy thì label cho mỗi loại sách sẽ là “Book A”, “Book B”, “Book C” …
Ví dụ một Event download quyển Book A sẽ có dạng:
ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'PDF Ebook', 'eventAction': 'Download', 'eventLabel': 'Book A' });Tương tự với quyển Book B:
ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'PDF Ebook', 'eventAction': 'Download', 'eventLabel': 'Book B' });Khác nhau ở mỗi cái Label thôi!
Q: Bây giờ có code rồi, nhét đoạn code Event Tracking đó vào đâu để đo?
A: Nhét vào đoạn code HTML chứa cái link (hoặc cái nút) cần đo.
Cấu trúc hoàn chỉnh của đoạn Code Event Tracking là:
onclick="ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'categoryName', 'eventAction': 'actionName', 'eventLabel': 'myLabel' });"
Ví dụ như cái nút “Follow me” của tớ ở ngoài sidebar nó sẽ như thế này:
<a href="http://www.facebook.com/caominhftu" onclick="ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'Facebook Profile', 'eventAction': 'Click', 'eventLabel': 'Follow me text'});">Follow me!</a>Hoặc cái nút Đăng kí email của tớ sẽ có dạng:
<input type="submit" value="Đăng kí" onClick="ga('send', {'hitType': 'event', 'eventCategory': 'Email', 'eventAction': 'Register', 'eventLabel': 'Position Sidebar'});">Bạn hình dung ra được chưa? Mình chỉ đơn giản là nhét cái đoạn onClick=”ga(‘send’….);” vào trong đoạn HTML chứa event cần đo thôi.
Q: Xem báo cáo Event Tracking ở đâu?
A: Event Tracking liên quan đến tương tác của người sử dụng. Vậy thì chắc chắn nó nằm ở mục Behavior.
Bạn vào: Report –> Behavior –> Events để xem thêm
Lưu ý: là phần Category, Action, Label chúng ta cài đặt nằm ở mục Primary Dimension.
Vậy là xong rồi, hơi dài nhỉ. Nhưng chỉ có bỏ công bỏ sức ra mới thu được trái ngọt thôi. Hi vọng bạn có những ứng dụng thiết thực với Event Tracking.
Phần tiếp: Real-Time report – Những con số nhảy múa
Nguồn: Caominhblog
0 nhận xét:
Không cho phép có nhận xét mới.